Qui môn môn phái Nhất Nam là các động tác chào hỏi, đi, đứng, ngồi... mang tính chất nghi thức bắt buộc. Giai đoạn đầu tiên của người học Nhất Nam sẽ bao gồm rất nhiều bài tập qui môn như:
Chào thầy
Chào đồng môn
Chào bạn khác môn
Chào sân tập
Nhập định đứng
Nhập định ngồi
Thu tấn
Bình tấn
..........
Đối với người mới tập qui môn là điều gì đó khá nhàm chán. Thường là các môn sinh mới sẽ tiếp thu qui môn một cách qua loa để nôn nóng học vào phần kỹ thuật, môn công, chiến đấu... Qua nhiều năm, từ quan sát bản thân và đồng môn, tôi càng ngày càng khám phá ra nhiều điều thú vị từ những bài học đầu tiên này.
1. Tác động tâm lý:
Những động tác qui môn đều nên thực hiện một cách nghiêm cẩn như một nghi lễ tôn giáo. Không cần vội vàng, không cần nhanh, mạnh, hãy thực hiện các động tác "chào", "tấn", "nhập định" với sự bình thản, kỹ lưỡng và chính xác. Hãy tự mình cầu toàn trong từng cử động... Lạ thay, với thời gian tính cách của bạn trở nên trầm tĩnh, nghị lực và kiên nhẫn hơn hẳn.
Sau những giờ tập, bạn trở lại với cuộc sống và công việc mang theo những tính cách mới được rèn luyện qua qui môn. Bạn xử lý công việc của mình một cách chu toàn, kỹ lưỡng. Khả năng tập trung tư tưởng cao hơn, ứng xử giao tiếp với bạn bè, đối tác mềm mại nhưng vững vàng... Rồi một ngày bạn sẽ ngạc nhiên tại sao có những người bạn mới gặp đã tỏ ra tôn trọng và quý mến bạn ngay. Đấy thực chất là kết quả của quá trình rèn luyện tâm lý từ những động tác qui môn "đơn giản".
Đối với các học sinh mới, đặc biệt là các em nhỏ. Tôi cảm nhận thấy sự thay đổi rất rõ rệt của các em sau những ngày rèn luyện qui môn. Các em có thể xuất phát là người thiếu tự tin, quá hiếu động, tập trung kém, khó bảo... sau 1 - 3 tháng hầu hết các em trở nên điềm tĩnh, can đảm, kỷ luật và hoà đồng.
Tôi không biết bao nhiêu em học sinh sẽ có thể gắn bó với con đường võ thuật. Có thể là rất ít. Nhưng những tố chất tâm lý đã được rèn luyện sẽ theo các em lâu dài và đóng góp không nhỏ vào thành công của các em trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là món quà, là "lộc" ông bà để lại cho con cháu. Cũng là món quà mà người trung chuyển như tôi rất mong trao lại cho các em như hành trang vào đời...
2.Văn hoá:
Các cụ dạy "Lời chào cao hơn mâm cỗ".
Qui môn Nhất Nam khá nhiều động tác chào: Chào đứng, chào quì dành cho thầy, chào đồng môn dành cho bạn tập, chào bạn tập khác môn, chào sân tập...
Chào là để tôn trọng người, chào cũng là tôn trọng chính mình. Điều này không mới nhưng không dễ cảm nhận sâu sắc.
Chào ở đây không phải là ngoại giao sáo rỗng. Khi ta cư xử đẹp ta thấy tự tin về chính mình, ta thấy người khác buộc phải tôn trọng mình. Khi ta tôn trọng người, ta tự nâng mình lên...
Tôi có một kỉ niệm nhỏ về cái chào của người Nhật:
Công việc của tôi hiện tại là tổ chức sự kiện. Việc tôi thường phải làm trước mỗi sự kiện là tới các địa điểm tổ chức để khảo sát thực địa. Một lần tôi tới khảo sát tại một khách sạn 5 sao của Nhật Bản tại HN. Khi tôi chuẩn bị tới cửa thang máy để xuống tầng thì có một vị quản lý đi ngang qua. Ông này bấm thang máy giúp tôi và nghiêng mình chào. Cho tới khi cửa thang máy khép hết tôi vẫn thấy ông giữ tư thế đó. Cảm xúc đầu tiên của tôi khi đó là xúc động và liền sau đó là nể phục. Xúc động là vì được tôn trọng, nể phục là một người có vị trí như vậy lại làm được việc đó (nói thực lúc ấy trông tôi như một anh công nhân). Nể tư cách của người ta, nể cái văn hoá của người ta. Người ta nâng mình lên mà để rồi mình phải kính trọng.
Chào sân tập: con người thì mới phải chào nhau chứ, chào cái vật vô tri làm gì.
Thật lạ. Bạn cứ chào thử đi, trước buổi tập và sau mỗi buổi tập. Tự nhiên bạn sẽ thấy cái nơi mình tập nó thân thương đến lạ. Rồi bạn sẽ tự thấy trân trọng cái nơi chốn mình tập, trân trọng bạn tập, trân trọng chính mình và cái việc mình làm. Đấy chính là văn hoá. Có biết trân trọng mới biết gìn giữ nâng niu, biết yêu biết quí không gian sống của mình...
Đầu năm có vài cảm xúc vụn vặt xin được chia xẻ cùng các bạn. Coi như câu chuyện làm quà...
Địa Long
Hà Nội 08/01/2011